Khi âm nhạc giao duyên với mỹ thuật
VHO - Những giai điệu hòa nhạc cổ điển vang lên dịu nhẹ trong không gian lãng mạn, trữ tình tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hòa nhạc tại Bảo tàng, món ăn tinh thần không xa lạ ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng tại Việt Nam, có lẽ Bảo tàng Mỹ thuật (Hà Nội) là địa chỉ tiên phong.
Du khách tham quan Bảo tàng thông qua “trợ lý thông minh” iMuseum VFA
Trong không gian kiến trúc đặc biệt với sự hòa quyện văn hóa Đông - Tây, những sáng tạo se duyên mỹ thuật - âm nhạc đang mở rộng cánh cửa để Bảo tàng ngày càng đến gần hơn với đông đảo công chúng.
Hòa nhạc tại Bảo tàng
Chỉ tay ra phía sân vườn, nơi diễn ra những chương trình hòa nhạc nhiều dấu ấn trong lòng công chúng, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh trải lòng: “Khi đến với những Bảo tàng Mỹ thuật lớn trên thế giới, trong không gian lãng mạn của tranh, tượng và những sắc màu hội họa, tôi đã được nghe những giai điệu của âm nhạc vang lên, khiến lòng người mê đắm. Tôi đã nhiều lần tự hỏi, vì sao lại không đưa sân vườn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trở thành điểm hẹn của tình yêu âm nhạc và mỹ thuật như vậy. Cho đến khi những giai điệu đầu tiên của chương trình hòa nhạc Giai điệu mùa thu vang lên đầy quyến rũ trong khuôn viên Bảo tàng, chúng tôi đón nhận cơn mưa lời khen và những câu hỏi bao giờ đến chương trình kế tiếp”.
Lượng khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thời gian qua đã tăng gấp đôi so với trước. Công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ đã biết đến Bảo tàng rộng rãi hơn trước không chỉ thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông mà còn bởi chính sự chuyển mình mạnh mẽ, khai thác thế mạnh, biến di sản thành tài sản từ phía Bảo tàng. Giám đốc Nguyễn Anh Minh bộc bạch, khai thác và phát triển công nghiệp văn hóa bắt đầu từ những ý tưởng, việc làm cụ thể. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang đi trên con đường đó, nhằm định vị thương hiệu một điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua trên bản đồ văn hóa của Hà Nội và cả nước. Sau những chương trình hòa nhạc cổ điển đầu tiên được tổ chức từ cuối năm 2022 cho đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang trở thành điểm hẹn nghệ thuật đầy thú vị vào tuần cuối mỗi tháng với một mini concert và ba tháng một lần với một chương trình hòa nhạc lớn được tổ chức. “Sau những trăn trở để hút khách, chúng tôi thấy rằng công chúng rất yêu thích những chương trình hòa nhạc trong không gian hiếm có như tại Bảo tàng. Những giai điệu của âm nhạc đỉnh cao cùng hòa quyện trong nhịp điệu sắc màu hội họa đã khiến cho các chương trình biểu diễn tại sân vườn của Bảo tàng Mỹ thuật luôn không còn chỗ trống…”, ông Minh “khoe”.
Nếu như cách đây chỉ vài năm, cánh cổng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn xa lạ với phần đông công chúng, nơi được gọi tên “ngôi đền thiêng” vẫn chỉ là chốn lui tới hầu như chỉ của giới nghề mỹ thuật thì đến nay, sự chuyển mình đã thực sự tạo lực hút mạnh mẽ với đông đảo du khách, đặc biệt là những bạn trẻ. Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Anh Minh bộc bạch, trước thực trạng vắng khách của Bảo tàng kéo dài nhiều năm, điều khiến ông luôn trăn trở khi về nhận nhiệm vụ tại địa chỉ này là làm sao để tạo nên những không gian nghệ thuật thực sự thân thiện, cởi mở và lôi cuốn. Mang theo tâm tư ấy trong những chuyến công tác nước ngoài, đến các Bảo tàng nghệ thuật, thăm những lâu đài cổ và được thưởng thức những buổi hòa nhạc ngoài trời, trong những không gian kiến trúc rất tuyệt vời đã thôi thúc trong ông ý tưởng phải tạo nên không gian nghệ thuật đặc sắc đó cho công chúng yêu nghệ thuật Việt. Những buổi chiều hòa nhạc cổ điển ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bắt đầu hình thành như vậy. Ông Nguyễn Anh Minh cho biết, mỗi thanh âm, giai điệu vang lên cũng chính là món quà tri ân đối với những khách tham quan yêu quý Bảo tàng.
Sự đón nhận của công chúng cũng cho thấy Bảo tàng đã có hướng đi đúng đắn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ khi thưởng thức chương trình biểu diễn hòa nhạc đầu tiên: “Buổi hòa nhạc biểu diễn ngoài trời do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức thực sự ấn tượng, không chỉ bởi chất lượng đỉnh cao của dàn nhạc với các tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới kết hợp với những nhạc phẩm Việt Nam quen thuộc, mà quan trọng hơn, ý nghĩa của buổi hòa nhạc đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật công cộng, và nhiều điều hơn thế!...”.
Hoà nhạc cổ điển tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Khi di sản trở thành tài sản
Với sự kết nối đồng điệu từ trái tim đến với trái tim, cánh cửa Bảo tàng giờ đây không chỉ rộng mở với nghệ thuật tạo hình mà còn là không gian kết nối của những tâm hồn yêu cái đẹp. Hòa theo những thanh điệu du dương, quyến rũ của những giai điệu hòa nhạc cổ điển trong không gian Bảo tàng mới thấy vì sao nơi này lại trở thành điểm đến lựa chọn thú vị của nhiều thế hệ công chúng trong thời gian qua. Không gian sân vườn nằm ngay sát mặt đường giao thông có lẽ cũng không còn làm khó cho các nghệ sĩ tham gia dàn nhạc - loại hình âm nhạc hàn lâm luôn yêu cầu được biểu diễn trong không gian đặc thù, không ồn ã. Bởi ngay phía trước các nghệ sĩ, xung quanh sân vườn và trên cả những ô cửa hành lang Bảo tàng là những gương mặt ngập tràn hạnh phúc của hàng trăm khán giả. Có lẽ, đa phần trong số họ đều là lần đầu tiên được lắng nghe các giai điệu cổ điển sang trọng, hút hồn trong không khí lãng mạn như thế. “Những buổi biểu diễn hòa nhạc cổ điển tại Bảo tàng đã giữ chân người nghe từ đầu đến cuối, rất nhiều người khi ra về đã hỏi chúng tôi thời gian của chương trình kế tiếp. Điều này cũng chính là ý tưởng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với mong muốn tiếp tục tổ chức chuỗi hòa nhạc định kỳ, mở cửa miễn phí cho công chúng để tạo ra một điểm hẹn lý tưởng của âm nhạc và mỹ thuật giữa lòng Hà Nội…”, ông Nguyễn Anh Minh bộc bạch.
Trở thành cầu nối giữa nghệ thuật và đời sống, phá bỏ rào cản tư duy để đến gần với công chúng, theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là cách để những di sản vô giá trở thành tài sản. Một thời gian rất dài, nhắc đến Bảo tàng là như nhắc đến “ngôi đền thiêng”, vùng đất riêng của giới mỹ thuật. Du khách đến Bảo tàng trước đây cũng đa phần là khách quốc tế, khách trong nước chủ yếu là các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật. Bên cạnh đó, tính chất hàn lâm, kén khách càng khiến sự thu hút của Bảo tàng rất hạn chế; nhiều hướng dẫn viên thậm chí còn “sợ” đưa khách đến Bảo tàng Mỹ thuật bởi lo ngại thiếu kiến thức chuyên môn.
“Có bạn làm lữ hành còn nói với tôi: “Đừng mơ Bảo tàng sẽ đông khách!”. Điều này đã thôi thúc Bảo tàng nỗ lực tìm kiếm giải pháp, sáng tạo để tháo gỡ rào cản và thu hút khách. Nếu du khách đến Paris là phải đến với Bảo tàng Louvre để ngắm bức tranh nàng Monalisa thì vì sao Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại không là điểm đến để ngắm những bảo vật quốc gia Em Thúy, Bình phong…?”, ông Minh trăn trở. Hàng loạt giải pháp phá bỏ những hàng rào khoảng cách, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã được triển khai để tạo sự thân thiện, gần gũi giữa Bảo tàng và du khách. Trong đó, sự đầu tư, tận dụng thế mạnh về công nghệ đã mang đến những bước ngoặt quan trọng, đưa đến cho du khách những cảm xúc thú vị khi tham quan, khám phá những kho báu di sản của Bảo tàng. iMu seum VFA được xem là “trợ lý thông minh” dành cho du khách khi tham quan Bảo tàng Mỹ thuật dưới hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay đã có khoảng 10% khách đến Bảo tàng sử dụng công nghệ này. “Chuyển đổi số đối với hoạt động của Bảo tàng là yếu tố sống còn trong bối cảnh thời đại 4.0. Các hoạt động của Bảo tàng trong thời gian gần đây đều tăng cường giải pháp công nghệ số để phát huy giá trị di sản nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng trong hành trình trải nghiệm của công chúng. Sau thành công của giải pháp công nghệ iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới đây cũng đã khai trương hình thức triển lãm trực tuyến, khá thú vị là ngay từ buổi đầu, chúng tôi đã có một lượng khách hàng khá đông, nhiều họa sĩ nổi tiếng đã đăng ký sử dụng không gian trực tuyến của Bảo tàng để đưa tác phẩm đến với công chúng…”, Giám đốc Nguyễn Anh Minh cho biết.
Đó cũng là những lý giải vì sao thời gian qua lượng khách đến với Bảo tàng đã tăng mạnh. Nếu năm 2020, lượng khách tham quan là gần 30 ngàn thì đến năm 2022, khi đại dịch qua đi, lượng khách đạt được trên 100 ngàn lượt, trong đó khách sử dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum đạt tỉ lệ trên 10%. Tính đến cuối tháng 11.2023 đã có gần 130 ngàn lượt khách đến Bảo tàng, số lượng khách sử dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum đạt tỉ lệ gần 10%. Điều đáng chú ý còn là sự thay đổi về cơ cấu lượng khách tham quan, nếu trước đây khách trong nước còn hạn chế thì nay đã chiếm trên 70%, trong đó có nhiều đối tượng là công chúng trẻ tuổi.
Đa dạng các phương thức hoạt động, giàu có những ý tưởng sáng tạo, cách làm mà ít thiết chế Bảo tàng nào áp dụng nhưng lại mang đến hiệu quả không ngờ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn là cách thức quảng bá, thu hút công chúng qua những bài viết, chia sẻ của các hot Facebooker, TikToker và qua chính các trang mạng xã hội của Bảo tàng. Nhiều sinh nhật, lễ đính hôn… tại Bảo tàng thu hút cả triệu lượt người theo dõi. Cùng với đó là các chương trình talk nghệ thuật với sự tham gia của nhiều họa sĩ tên tuổi, tạo sức lan tỏa của không gian nghệ thuật Bảo tàng đến công chúng.
“Chỉ với hơn 4.000m2, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để mở rộng không gian hoạt động, thế nhưng với tư duy đổi mới, gắn chức năng giáo dục của Bảo tàng với đáp ứng thị hiếu của công chúng, lượng khách đã ngày càng đông. Chúng tôi xác định lợi thế riêng có chính là các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ tên tuổi của nền mỹ thuật nước nhà qua nhiều thế hệ. Di sản nghệ thuật chính là tiềm năng, nền tảng để tạo nên những giá trị tài sản vừa có sức thu hút, vừa đóng góp đáng kể vào phát triển công nghiệp văn hóa…”, ông Minh cho biết. Với hướng đi này, sắp tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các hoạt động để định vị rõ nét hơn thương hiệu của một điểm đến nghệ thuật trong lòng công chúng, với các mô hình mới như tour đêm, trình diễn hòa nhạc cổ điển, tham quan trải nghiệm, trình chiếu ánh sáng…
“Có bạn làm lữ hành còn nói với tôi: “Đừng mơ Bảo tàng sẽ đông khách!”. Điều này đã thôi thúc Bảo tàng nỗ lực tìm kiếm giải pháp, sáng tạo để tháo gỡ rào cản và thu hút khách. Nếu du khách đến Paris là phải đến với Bảo tàng Louvre để ngắm bức tranh nàng Monalisa thì vì sao Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại không là điểm đến để ngắm những bảo vật quốc gia Em Thúy, Bình phong...?”. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh |
HÀ PHƯƠNG, ảnh: NGUYỄN HỮU